Viêm tai giữa là một trong những bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên phổ biến, gây đau đớn do sự tích tụ các chất dịch trong tai giữa của trẻ. Bệnh này có thể hoàn toàn khỏi nếu được chẩn đoán và điều trị đúng cách và kịp thời. Tuy nhiên, liệu bệnh có khả năng lây lan không và đối tượng nào dễ mắc bệnh nhất? Hãy cùng tham khảo thông tin dưới đây để bảo vệ sức khỏe của con bạn.
1. Độ tuổi dễ mắc bệnh viêm tai giữa
Viêm tai giữa có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là đối với trẻ từ 1-3 tuổi. Nguyên nhân có thể là do nhiễm khuẩn hoặc virus trong tai giữa, thường là kết quả của các bệnh cảm lạnh, cúm hoặc dị ứng gây tắc nghẽn, sưng đường mũi, họng và ống Eustachian.
2. Bệnh viêm tai giữa có lây không?
Vi khuẩn bên trong tai gây nhiễm trùng không lây lan, trong khi virus gây cảm có thể là nguồn lây nhiễm. Thông thường, nếu viêm tai giữa xuất hiện sau 1 tuần cảm, bé không còn là nguồn lây nhiễm nữa.
3. Nhận biết triệu chứng của viêm tai giữa
Bé có thể có các triệu chứng như:
– Triệu chứng cảm: viêm tai giữa thường diễn ra sau cảm. Nước mũi thường chuyển từ không màu sang vàng hoặc xanh trước khi nhiễm trùng tai xuất hiện.
– Bé quấy khóc nhiều, cả ban ngày và ban đêm.
– Kêu đau ở tai hoặc trẻ không nghe được.
– Thức giấc nhiều hơn vào ban đêm.
– Trẻ không muốn nằm xuống.
– Sốt thường không cao, khoảng 38,3°C-38,9°C, có thể không sốt.
– Bé quấy khóc nhiều hơn trong đợt cảm.
– Chảy dịch từ tai: nếu thấy máu hoặc mủ chảy ra từ tai, có khả năng đó là viêm tai giữa kèm với rách màng nhĩ. Những vết rách này thường sẽ liền lại tốt và khi màng nhĩ rách bé sẽ ít cảm thấy đau hơn.
Viêm tai giữa được chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn xung huyết, giai đoạn ứ mủ và giai đoạn vỡ mủ. Khi đưa trẻ đến khám, bác sĩ sẽ xác định giai đoạn của viêm tai giữa để chỉ định thuốc điều trị hợp lý.
Tuy nhiên, trẻ ít có nguy cơ mắc viêm tai giữa nếu:
– Không có biểu hiện cảm: nếu bé có một số triệu chứng nhưng không có biểu hiện cảm thì khả năng mắc bệnh là rất thấp, trừ khi trước đó đã từng mắc bệnh.
– Trẻ dưới 1 tuổi kéo tai hoặc vỗ vào tai: Bé ở độ tuổi này không nhận biết chính xác vị trí đau tai nên có thể kéo hoặc vỗ tai khi mọc răng.
– Không kêu đau tai (ở trẻ đủ lớn, thường là khi lên 2 hoặc lên 3).
Tóm lại, khi nhận biết được các triệu chứng lâm sàng của bệnh, cha mẹ cần chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa đúng cách, đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kỹ lưỡng, triệt để. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng không mong muốn.