Ung thư máu, được xếp vào nhóm bệnh lý ác tính khó điều trị và có nguy cơ tử vong rất cao, có thể gây mất tính mạng của bệnh nhân trong thời gian ngắn. Để giúp tăng cường nhận thức về căn bệnh này, Bacsiviemgan sẽ trình bày những triệu chứng đặc trưng của bệnh và cung cấp thông tin liên quan trong bài viết sau đây.
1. Ung thư máu là gì?
Ung thư máu là một loại bệnh ung thư tác động đến tế bào máu và tủy xương – cấu trúc mềm bên trong xương nơi tạo ra và biến đổi tế bào máu thành hồng cầu, bạch cầu, hoặc tiểu cầu.
Ung thư máu có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn, và đây là một loại ung thư phổ biến, với hơn 40.000 người được chẩn đoán mắc bệnh mỗi năm chỉ tính riêng ở Anh, và chiếm 10% trong các loại ung thư được chẩn đoán ở Hoa Kỳ.
Có ba loại ung thư máu chính:
– Tế bào hồng cầu: Chúng có nhiệm vụ vận chuyển oxy đến các mô và cơ quan trong cơ thể và loại bỏ carbon dioxide đến phổi để bạn thở ra ngoài môi trường.
– Tế bào bạch cầu: Chức năng của chúng là chống lại tình trạng nhiễm trùng và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch.
– Tiểu cầu: Chúng giúp máu đông lại ở vết thương, ngăn ngừa mất máu và ngăn vi khuẩn xâm nhập từ môi trường bên ngoài.
Khi bệnh nhân mắc phải ung thư máu, bệnh này ảnh hưởng đến khả năng sản xuất các tế bào máu mới, làm suy yếu chức năng chống lại nhiễm trùng, gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và đe dọa tính mạng của họ.
2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh
Ung thư máu bắt nguồn từ sự biến đổi trong DNA của tế bào máu, và nguyên nhân chính gây ra biến đổi này vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ có thể liên quan đến bệnh này:
– Độ tuổi: Ung thư máu có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng tỷ lệ mắc bệnh tăng cao sau tuổi 40-60. Điều này có thể liên quan đến tích lũy các độc tố trong cơ thể và sự thay đổi trong gene theo thời gian.
– Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn nữ giới.
– Chủng tộc: Yếu tố chủng tộc có thể ảnh hưởng đến gen và khả năng biến đổi gen. So với người da trắng, người da đen có nguy cơ mắc ung thư máu cao hơn.
– Tiền sử gia đình: Ung thư máu có khả năng di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác do biến đổi trong DNA.
– Tiếp xúc với bức xạ hoặc hóa chất: Những tác nhân này có khả năng gây tổn thương và biến đổi gene mạnh mẽ.
– Khói thuốc: Trong khói thuốc lá có hơn 40 tác nhân có khả năng gây ung thư, trong đó các hợp chất có vòng thơm như benzopyrene đặc biệt độc hại và có khả năng gây ra ung thư mạnh.
– Một số bệnh lý: Các bệnh mạn tính như tiểu đường, viêm gan, xơ gan, và các bệnh khác cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh
3. Các triệu chứng của ung thư máu
Các dấu hiệu của ung thư máu có thể thay đổi tùy theo loại bệnh, nhưng có một số triệu chứng chung cho cả ba loại ung thư máu:
– Mệt mỏi cực độ: Cảm giác mệt mỏi đến mức không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày.
– Sốt dai dẳng: Sốt thường là biểu hiện của cơ thể đang chống lại nhiễm trùng hoặc phản ứng với các tế bào ung thư bất thường.
– Đổ mồ hôi ban đêm: Xuất hiện đột ngột, thường trong khi ngủ, gây rối loạn giấc ngủ và làm ướt giường cũng như quần áo.
– Chảy máu hoặc bầm tím bất thường: Chảy máu không ngừng hoặc sự xuất hiện của các vết bầm tím không lành sau hai tuần. Đây có thể là dấu hiệu của ung thư máu.
– Giảm cân đột ngột hoặc không giải thích được: Mất cân nhanh chóng, khoảng 4,5 kg trong khoảng từ 6 đến 12 tháng mà không có giải thích có thể là triệu chứng của bệnh.
– Nhiễm trùng thường xuyên: Mắc phải nhiễm trùng thường xuyên có thể là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch đang bị ảnh hưởng.
– Sưng hạch bạch huyết, gan, hoặc lá lách to: Những triệu chứng này có thể liên quan đến bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch.
– Đau xương: U tủy và bệnh bạch cầu có thể gây đau xương hoặc các điểm mềm trên xương.
4. Chẩn đoán ung thư máu
-Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ sử dụng các biểu hiện lâm sàng như da nhợt nhạt do thiếu máu, sưng hạch bạch huyết, tăng kích thước gan và lá lách để xác định khả năng mắc ung thư máu ở người bệnh.
-Xét nghiệm máu
Xét nghiệm toàn bộ công thức máu giúp bác sĩ xác định bất thường trong tình trạng của các tế bào hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu. Nếu có sự nghi ngờ về bệnh bạch cầu, thường sẽ thấy sự tăng số lượng bạch cầu đồng thời giảm hồng cầu và tiểu cầu so với mức bình thường.
-Chẩn đoán hình ảnh
Sử dụng cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ (MRI) là các kỹ thuật hình ảnh thường được áp dụng để chẩn đoán ung thư máu khi bác sĩ phát hiện các dấu hiệu và có nghi ngờ về khả năng mắc bệnh ung thư máu.
-Sinh thiết tủy xương
Sinh thiết tủy xương là một quá trình xét nghiệm giúp xác định tỷ lệ phần trăm tế bào máu bình thường và bất thường trong tủy xương của bệnh nhân. Phương pháp này cũng có khả năng phát hiện những thay đổi trong DNA, một yếu tố có thể thúc đẩy sự phát triển của bệnh
-Kiểm tra tế bào máu
Thực hiện việc soi mẫu máu dưới kính hiển vi để tìm kiếm bất thường trong tế bào máu. Trong một số trường hợp, việc soi tế bào máu ngoại vi có thể phát hiện các dấu hiệu của bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch.
5. Phương pháp Điều trị
Bên cạnh việc hiểu rõ về các triệu chứng của ung thư máu, quan tâm hàng đầu của bệnh nhân và gia đình là phương pháp điều trị. Phương pháp điều trị sẽ thay đổi tùy thuộc vào loại ung thư máu mà bệnh nhân mắc phải, và cũng phụ thuộc vào các yếu tố như giai đoạn của bệnh, tuổi tác, và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Hiện nay, có ba phương pháp điều trị chính đang được áp dụng trong nhiều trường hợp bệnh
-Cấy ghép tế bào gốc: Phương pháp này liên quan đến truyền tế bào gốc vào cơ thể để tái tạo các tế bào máu khỏe mạnh. Tế bào gốc có thể được thu thập từ máu dây rốn, máu tuần hoàn, hoặc tủy xương.
-Xạ trị: Phương pháp này thường được khuyến nghị cho điều trị ung thư máu bằng cách sử dụng tia X để tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ kích thước khối u. Xạ trị có thể được áp dụng để tác động lên tế bào ung thư ở các khu vực như não và tủy sống, giảm đau tại xương, và đôi khi được kết hợp với cấy ghép tế bào gốc.
-Hóa trị liệu: Phương pháp này liên quan đến sử dụng một kết hợp các hợp chất hóa học có khả năng chống lại tế bào ung thư , nhằm ngăn chặn sự phát triển của chúng. Hóa trị cũng có thể được áp dụng trước cấy ghép tế bào gốc hoặc xạ trị.
Trên đây là những chia sẻ về triệu chứng ung thư máu ở người lớn cũng như một số phương pháp được sử dụng trong điều trị căn bệnh này. Chúc các bạn thật nhiều sức khỏe!