Các chế phẩm Glucosamine trên thị trường thường được kết hợp với các thành phần khác. Sản phẩm này hiện nay rất đa dạng về hãng sản xuất, dạng bào chế, nồng độ nên để đảm bảo an toàn bạn cần sử dụng đúng cách, đúng thời điểm. Vậy cần lưu ý khi sử dụng Glucosamin như thế nào?
1. Hiểu về Glucosamine
Tại Việt Nam, Glucosamine được coi là thuốc điều trị chứ không phải thực phẩm chức năng. Glucosamine được chỉ định để giảm triệu chứng viêm xương khớp nhẹ và trung bình ở đầu gối. Trên thị trường, Glucosamine có 3 dạng chính: Glucosamine sulfate; Glucosamine hydrochorid và N-acetylglucosamine.
Tuy nhiên, chỉ có Glucosamine Sulfate là được nghiên cứu và sử dụng nhiều nhất, mang lại hiệu quả tích cực. Hiện nay, các chế phẩm Glucosamine có nhiều dạng bào chế và nồng độ khác nhau, người bệnh nên sử dụng đúng liều lượng, nên uống Glucosamine trong bữa ăn hoặc sau bữa ăn. Glucosamine tác dụng chậm nên hiệu quả chỉ thấy sau 2-3 tháng sử dụng liên tục. Bạn chỉ nên dùng Glucosamine theo chỉ định của bác sĩ hoặc hướng dẫn trên bao bì. Không sử dụng nhiều hơn lượng Glucosamine được khuyến nghị hoặc dùng nhiều loại cùng lúc vì điều này có thể làm tăng nguy cơ quá liều. Glucosamine an toàn nhưng không có nghĩa là vô hại, sử dụng không đúng cách có thể gây ra các tác dụng phụ như: Buồn nôn, nôn, ợ chua, táo bón, nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, tiêu chảy, đau/nhạy cảm vùng thượng vị.
2. Lưu ý khi sử dụng Glucosamine
Lưu ý khi sử dụng Glucosamine như thế nào? Một số báo cáo đã ghi nhận phản ứng phản vệ, sốc phản vệ và tăng đường huyết sau khi dùng Glucosamine. Tóm lại, sử dụng Glucosamine có thể là con dao hai lưỡi. Vì vậy, trước khi sử dụng sản phẩm này, bạn cần đọc kỹ thông tin về dạng bào chế, hàm lượng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để đạt hiệu quả tốt nhất, tránh những tác dụng phụ không mong muốn.